Nguồn gốc và danh xưng Tra_quyền

Tra quyền còn gọi là Soa quyền (soa là một loại binh khí có cán dài, một đầu có hai mũi nhọn, "đinh hai") hay còn gọi Sáp quyền (sáp là cắm, đâm).[1]. Cũng có nhiều người cho rằng phải viết là "Tra quyền" [2] vì trong quyền pháp phần lớn dùng "tra pháp" chú ý ra tay tức là "tra" (là chỉ, chọc bằng ngón tay) và trong thương pháp có khẩu quyết "nhất tra, nhị nã, tam trát hoa" (một chọc, hai nắm, ba đâm hoa).

Có hai thuyết về nguồn gốc:

Thuyết thứ nhất cho rằng: đời Đường (hoặc có người bảo là cuối thời nhà Minh hay cuối thời nhà Thanh) có dân Hồi Tra Mật Nhĩ ở Tây vực từ phía Tây tới truyền quyền này ở Quán Huyện thuộc Lỗ Tây (phía Tây tỉnh Sơn Đông). Đời sau lấy họ này mà đặt thành tên dòng quyền.

Thuyết thứ hai do phái Thiếu Lâm phát triển mà có (xem sách "Quốc thuật sử" của Hứa Vũ Sinh) gần đây căn cứ vào "Trung Quốc Tra quyền" mà tác giả đã khảo chứng thì quyền Tra Mật Nhĩ truyền lại không phù hợp với sự thật lịch sử mà cho rằng đời vua Ung Chính nhà Thanh (tức vua Thanh Thế Tôn Dân Chân làm vua từ 1723 - 1736), có tiến sĩ võ người Quán Huyện tỉnh Sơn Đông là Sa Lượng, người vùng ấy tôn xưng là Sa Mật Nhĩ (Mật Nhĩ là do dân tộc Hồi để lại, từ đó tiếng Ba Tư có nghĩa là "trưởng quan".

Còn Tra Mật Nhĩ hay Sa Mật Nhĩ là chuyện còn nghi vấn) đã sáng tác ra, hình thành vào khoảng giữa đời Thanh. Ban đầu thịnh hành ở Sơn Đông, về sau nhà Tra quyền nổi tiếng là Dương Hồng Tu truyền dạy ở Tế Nam; Hoàng Bính (có chỗ ghi là Minh) Tinh lại truyền bá ở Hà Nam; Vu Chấn Thanh, Mã Kim Tiêu, Mã Vĩnh Thắng v.v... đi về phương Nam truyền quyền ở Thượng Hải, Nam Kinh, Tô Châu. Quốc Thuật quán trung ương xưa từng đưa Tra quyền vào khóa trình, còn hiện tại thì lưu truyền cả nước.

Theo báo "Võ Lâm" của Trung Quốc có bài khảo cứu lại đưa ra thuyết Trường quyền do Cơ Long Phong sáng tác ra sau khi tham khảo các loại quyền thuật nổi tiếng của phương Bắc rồi chắt lọc, tinh tuyển, sáng tạo thêm thành ra trường quyền cách đây hơn ba trăm năm. Sau này, Cơ Long Phong truyền dạy lại cho các học trò, trong đó có người họ Tra, Hoa, Pháo, Hồng giỏi hơn cả, và rồi họ tự lập ra môn phái Trường quyền riêng.